Bản Cát Cát - Cat Cat Village

Kèn lá - tiếng chim họa mi hót giữa đại ngàn

Trong đời sống của đồng bào người Mông, mỗi loại nhạc cụ truyền thống đều ẩn chứa ý nghĩa thiêng liêng. Chiếc kèn lá cũng như những nhạc cụ khác là người bạn thân thiết để bày tỏ những cảm xúc yêu thương, những mong ước, khát vọng của các chàng trai cô gái.

Cùng với khèn, đàn môi, kèn lá được coi là “linh hồn” trong đời sống tinh thần của người H'Mong. Nếu có dịp lên những bản ở vùng cao, chúng ta có thể bắt gặp những chàng trai, cô gái đưa chiếc lá trên môi, tấu lên những âm thanh cao, vang xa lảnh lót.

Bằng sự khéo léo của mình, chiếc lá nhỏ xíu trong rừng có thể mô tả được tiếng suối va vào ngầm đá, tiếng chim hót ríu rít gọi bầy, nhảy nhót trên cành khiến cho không gian như tràn ngập không khí của xuân mới. Người Mông vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về chiếc lá nói lời thương đầu tiên. Ngày xưa, có một ông dạy kèn lá cho một chàng trai và một cô gái. Hai người say đắm nhau, bụng chật lời yêu sánh mật ong rừng. Chàng trai có việc đi xa và không trở về. Người con gái từ đó thổi kèn lá để tìm chàng trai. Nhờ tiếng kèn lá bay qua ngàn suối trăm đèo mà cô gái đã tìm được chàng trai đi lạc trở về. Từ đó chiếc kèn lá đại diện cho tình yêu đôi lứa của người Mông. Tiếng kèn lá trở nên cuốn hút người nghe ở không gian rộng lớn, cô đơn.

Kèn lá - loại nhạc cụ đơn sơ nhưng hết sức độc đáo của đồng bào người H'Mong được ví như tiếng hót của chim họa mi giữa đại ngàn, là chiếc lá biết nói lời yêu thương.


Ở lớp học bảo tồn văn hoá văn hoá của bản Cát Cát, các bé sẽ được học những bài hát cổ, những nhạc cụ dân tộc truyền thống và đặc trưng... Hi vọng những thế hệ mai sau luôn giữ gìn những nét văn hoá bản địa được tròn vẹn, để hồn cốt của mảnh đất này sẽ không bị mai một cùng thời gian...