Bản Cát Cát - Cat Cat Village

CHUYỆN VỀ NGÔI LÀNG H'MONG CỔ

Có vẻ như sự nổi tiếng của ngôi làng đẹp tựa cổ tích này đã khiến cho du lịch Sapa vì thế mà cuốn hút và thú vị hơn. Một ngôi làng khiến người ta mê mẫn khi bước vào, quên đi mọi thứ mệt nhọc ngoài kia. Sự bình yên, tách biệt với thế giới cùng không khí trong lành đến mức muốn cất cả một bao để dành về thành phố tấp nập kia lấy ra sài khi quá mệt mỏi. Sông nước yên ả, khung cảnh mộng mơ yên tĩnh như bước ra từ truyện cổ tích.

 

Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tây Bắc một vùng đất thơ mộng, hùng vĩ với những dãy núi mờ ảo trong từng lớp sương mù. Cũng bởi nét đẹp mê hồn ấy, không ít người đã đến đây, lưu giữ kỷ niệm đẹp trong từng bức hình. Để rồi mỗi lần nhìn lại, con tim lại thôi thúc đôi chân dịch chuyển, để chiêm ngưỡng một Tây Bắc trong vắt, bản địa, bình yên, một nơi gói trọn cả những tinh hoa đất trời vào một bản làng yên ả... là Cát Cát. 



Đến Sa Pa, nếu bạn dành trọn kỳ nghỉ của mình chỉ để quanh quẩn ở trung tâm thị trấn thì thực sự là một điều đáng tiếc. Không cần đi quá xa, du khách cũng có thể dễ dàng thăm thú bản Cát Cát – bản làng H’Mông cổ nằm bên thác nước Cát Cát, trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ, Cát Cát là làng người Mông được du khách ngợi ca là “Ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”.

 

Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, là nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Mông. Từ trung tâm thị trấn, du khách chỉ cần đi theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng gần 3km là sẽ đến bản Cát Cát. Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lựa chọn nơi này làm địa điểm nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Trên đường đi xuống, bạn sẽ tha hồ mê mẩn với những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những bụi giang, trúc, vầu, cao vút xanh tốt. Thi thoảng, du khách còn bắt gặp phụ nữ H’Mông hoặc đám trẻ con đi dọc các nẻo đường.


Khác với những điểm du lịch thông thường, ở bản Cát Cát những giá trị văn hóa, nguồn cội luôn được bảo tồn và gìn giữ. Bởi thế, giữ khu vực trung tâm bản, còn có khu làng nghề truyền thống của dân tộc H’Mong như se lanh, dẹt vải, nhuộm tràm, vẽ sáp ong, đan thồ... Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, ngắm nhìn những món đồ thủ công tinh xảo để hiểu thêm giá trị của một nền văn hóa, hiểu thêm nét đẹp của vùng đất miền Tây Bắc này.

Đến bản Cát Cát, du khách còn được tìm hiểu và chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Những ngôi nhà trình tường suốt bốn mùa cho đồng bào Mông nơi đây. Để tạo nên những bức trình tường độc đáo ấy, ngừoi Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao.Cùng với tường đất, mái lợp bằng hôc Pơ Mu giúp ngôi nhà được "điều hoà nhiệt độ" suốt trong năm. Trong nhà trình tường, người Mông bố trí gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và phòng khách. Gian giữ rộng để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Phía trên là sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Ngôi nhà có thể có một hoặc hai trái nhà đặt cối xay ngô, giã gạo.

Cát Cát – một ngôi làng cổ xinh đẹp nhiều dấu ấn, một điểm đến du lịch giàu văn hóa với những giá trị nguồn cội và bản địa luôn được trân quý, giữ gìn.

 

Bài viết liên quan

Cát Cát – Điểm đến không mới, nhưng chưa bao giờ cũ…