Bản cát cát - tây bắc không chỉ có SaPa
Sa Pa từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa và du lịch Việt Nam, thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế hàng năm. Thị trấn vùng cao của Tây Bắc nằm xen giữa những cánh rừng đào và rặng samu.
Chỉ cần tới Sa Pa một lần trong đời, được đứng trên đỉnh Fansipan, nhìn ngắm thị trấn trong sương hay nắm tay người yêu dấu đi qua cánh đồng hoa bất tử sống mãi với thời gian là cho dù đi bất kỳ nơi nào trên thế giới đi chăng nữa, Sa Pa sẽ vẫn lưu lại trong ký ức mỗi người về một vùng đất lãng mạn nhưng cũng đầy hoang dại.
Khi những nhà thờ đá, núi Hàm Rồng, bãi đá cổ Sa Pa, Cầu Mây, Thác Bạc hay Fansipan đã trở nên quá quen thuộc, nhiều người lại tìm tới những điểm đến mới xung quanh thị trấn phố núi trong sương để khám phá những điều mới lạ của vùng núi Tây Bắc.
Hương sắc thời gian của vùng núi Tây Bắc
Chỉ cách trung tâm Sa Pa trên dưới 2km theo con đường hướng về núi Fansipan, Bản Cát Cát đang được coi là bản làng đẹp nhất của Tây Bắc. Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người H’Mông. Đặt chân vào bản làng, tiếng đàn môi, điệu khèn hay điệu múa dịu dàng của người thiếu nữ Mông sẽ như đưa du khách lạc vào một thế giới đầy sắc hương của thời gian.
Người dân ở đây sống quây quần bên nhau trong những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ dựa vào sườn núi. Bên trong nhà khá đơn giản với nơi thờ cúng, có sàn gác lương thực dự trữ qua mùa đông giá rét. Tên của những ngôi nhà mang phong cách thế này là “Nhà Trình Tường”. Vách của ngôi nhà cũng khá đặc biệt bởi được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết.
Hơn ba thế kỷ trôi qua, người dân bản Cát Cát vẫn bảo tồn và gìn giữ được các nghề làm thủ công mỹ nghệ từ đời này qua đời khác, như xe lanh, dệt vải, lăn đá, chặm khắc bạc, vẽ sáp ong, đan thồ… cùng những sản phẩm đầy tinh xảo.
Ngôi làng của những đóa hoa ngút ngàn
Điểm nổi bật nhất của Bản Cát Cát là đến đây vào bất kỳ tháng nào trong năm, du khách cũng được hòa mình vào những cánh đồng hoa ngút ngàn, trải đều tăm tắp như hoa bất tử, hoa hướng dương, hoa hồng ri, hoa cánh bướm… xen lẫn màu xanh của ruộng bậc thang tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn. Bản Cát Cát đang dần trở thành “thánh địa sống ảo” của giới trẻ với những khuôn hình đẹp không góc chết. Mỗi mùa xuân – hạ - thu – đông lại có một loài hoa riêng khoe sắc với những vẻ đẹp, màu sắc không thể lẫn lộn. Những thảm hoa của Cát Cát là nơi thích hợp để những lời cầu hôn được nói ra mà rất khó có thể bị từ chối.
Gần 80 hộ dân ở đây đều sống trong những ngôi nhà gỗ nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá. Trung tâm Cát Cát là nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rào là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc. Xa xa là ngọn thác Tiên Sa tung bọt trắng xóa. Cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ.
Không chỉ có những cánh đồng hoa, những cô thôn nữ của bản Cát Cát cũng được ví như những đóa hoa xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc. Tại đây, phụ nữ vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Váy của họ có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Mỗi buổi chiều ở nơi hội tụ ba dòng suối, du khách sẽ bắt gặp nhiều cô gái Mông xinh đẹp với hai bàn tay đầy những bông hoa tươi đủ màu sắc đang đùa vui bên dòng nước trong vắt của phố núi.
Giữa thung lũng Mường Hoa, Bản Cát Cát giống như một cô gái vùng cao dịu dàng, e ấp nhưng lại mang một vẻ bí ẩn, hoang dã khiến ai cũng muốn khám phá.
Khung cảnh ở Cát Cát cũng rất thích hợp với những du khách lười biếng, chỉ muốn ở một chỗ mà có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Tây Bắc và nhấp ngụm trà ấm giữa không gian êm đềm.