Bản Cát Cát - Cat Cat Village

Giữ hồn cho nghệ thuật vẽ sáp ong của người H'Mong


Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống.

Người Mông vẫn trồng lanh, xe sợi, dệt vải để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm như váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, tạo nên sự linh hoạt, khác biệt, không hề lẫn lộn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn gồm se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi.

Đầu tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp tràm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn. Sau khi dệt vải xong, người Mông thực hiện khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn. Khâu này rất kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục, óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với nhau.


Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên.

Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống là một trong những kỹ thuật được sử dụng từ lâu đời, không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống.


Đầu tiên là khâu chọn sáp ong, với 2 loại màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già; sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao khoảng 60 độ C sáp mới không bị khô. Bút để vẽ là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác. Ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ.

 

Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ".

Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn.

Sau khi vẽ xong hoa văn đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.


Phát huy giá trị di sản

Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, bản Cát Cát đã tổ chức các lớp học văn hóa truyền thống cho các em nhỏ. Nhằm kế thừa và phát huy những nét văn hóa cổ, quý mà gần như sắp biến mất, sắp mai một. Tại lớp học này, các bé được học và hiểu về nghệ thuật vẽ sáp ong – nghề giữ hồn cho tấm vải lanh của người H’Mong, được học kèn lá, múa – hát những bài hát cổ, được se lanh, dệp vải, đan lát…

Trong ánh mắt trẻ thơ trong sáng ấy, chúng tôi thấy được sự tự hào và ý thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa của các em. Chúng tôi hi vọng rằng, bằng tất cả cố gắng và nỗ lực, bản Cát Cát sẽ luôn là điểm đến ấn tượng với những sắc màu văn hóa H’Mong trọn vẹn nhất…