VƯỜN HOA BIỂU TƯỢNG KHÈN THỒ – BIỂU TƯỢNG DU LỊCH ĐỘC ĐÁO NHẤT SAPA
Nhắc đến nhạc cụ dân tộc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông không thể thiếu khèn. Tiếng Khèn được coi là linh hồn của người Mông để gửi gắm, thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, với cộng đồng và với thiên nhiên hùng vĩ.
Đây là loại nhạc cụ rất đơn giản, không mất thời gian và công sức để chế tạo; chủ yếu vận dụng sự linh hoạt của môi và các ngón tay. Đặc biệt, người già, người trẻ, phụ nữ, nam giới đều thổi được. Người Mông thổi kèn lá bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ thời điểm nào. Trong lúc đợi nhau xuống chợ, trong các buổi giao, gặp gỡ hoặc đơn giản là khi họ hứng thú. Nó bày tỏ nỗi lòng của con người trước thiên nhiên, trước con người với nhau và trở thành một nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng dân tộc nơi đây.
Cũng như chiếc khèn thân thuộc, ở một góc nào đó thẳm sâu trong tâm hồn của người dân Tây Bắc, chiếc gùi như một người bạn tâm giao để họ bộc bạch nỗi niềm riêng. Từ bàn tay cần cù khéo léo, tính kiên trì và óc thẩm mỹ sáng tạo, gùi như tấm lòng người Tây Bắc thơm thảo, gắn cuộc đời với nương rẫy, núi rừng.
Từ xa xưa, người Mông vùng Tây Bắc sinh sống trên những triền núi cao và luôn có ý thức tự chế tạo cho mình những vật dụng để sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất. Trong đó, chiếc gùi tre (lù cở) luôn là vật dụng đi liền với đồng bào Mông trong nhiều công việc thường ngày.
Chiếc gùi của người Mông có từ bao giờ, khó ai có thể xác định được, chỉ biết rằng, trong nét văn hóa của đồng bào Mông vùng Tây Bắc, chiếc gùi là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa, lao động của họ. Người Mông vẫn kể cho nhau sự tích về chiếc gùi của dân tộc mình rằng, xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau nhưng do chàng trai nghèo khó nên không lấy được cô gái, phải bỏ đi biệt xứ.
Cô gái ngày ngày ra bụi tre khóc thương chàng trai, ngồi khắc vào thân cây tre những lời thề sắt son. Vào một ngày kia, cô gái quyết định đi tìm chàng trai. Cô đốn cây tre có khắc những lời thề, chẻ ra lấy lớp cật bên ngoài rồi đan thành chiếc rọ hình trụ, cao, loe ở đầu trên, hóp ở dưới đáy giống hình bông hoa gạo. Cô gái miệt mài đi, một ngày nọ cô tìm được chàng trai và hai người sống với nhau hạnh phúc. Chiếc gùi được vợ chồng cô gái dạy cho dân bản đan và dùng như một vật dụng biểu tượng thiêng liêng cho lòng chung thủy của tình yêu đôi lứa.
Lấy ý tưởng sử dụng những vật dụng gần gũi và thân thiết nhất với người dân tộc H’Mông, vườn hoa biểu tượng khèn thồ ra đời. Một hệ cảnh quan luôn rực rỡ với những loài hoa quanh năm khoe sắc, chiếc khèn thồ khổng lồ như điểm nhấn đặc biệt giữa núi rừng. Chính vì thế, từ lâu biểu tượng khèn thồ đã trở thành điểm “biểu tượng du lịch” giàu tính nhân văn và vô cùng độc đáo tại Sapa nói chung và Cát Cát nói riêng.